Hòa giải thương mại vẫn ‘lạ’ với doanh nghiệp Việt

10/03/2020

Một cuộc khảo sát của VIAC được tiến hành từ 15/12/2014 đến 30/01/2015 với 352 doanh nghiệp (Ở hai miền Nam, Bắc) cho thấy 81% DN trả lời chưa từng tham gia hòa giải, 70% DN “không hề” quen thuộc hoặc “chưa đủ” quen thuộc với quy trình hào giải.

Thông tin được ông Phan Trọng Đạt, Phó Trưởng ban Xúc tiến đào tạo, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết tại Hội thảo Hòa giải thương mại và Góp ý Dự thảo Nghị định về Hòa giải thương mại do VIAC phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 24/6, tại Hà Nội.

Từ 2007 tới nay, VIAC chỉ giải quyết 5 vụ hòa giải

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC cho biết, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến và phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải có những ưu điểm rõ rệt về tiết kiệm thời gian, chi phí và hiệu quả qua đó giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên ở Việt Nam, sự phát triển của phương thức hòa giải thương mại còn rất hạn chế.

Nguyên nhân của thực trạng này là do họ thiếu kiến thức đáng kể về các đặc điểm cụ thể của quy trình hòa giải. Đơn cử, DN không biết rằng thông tin được chia sẻ trong quá trình hòa giải được giữ bảo mật; DN không biết rằng giải pháp đạt được trong hòa giải phải được các bên tranh chấp tự mình chấp thuận chứ không thể bị áp đặt bởi hòa giải viên; DN không biết rằng pháp luật hòa giải hiện đại quy định rằng thời hiệu khởi kiện được tạm ngừng khi hòa giải bắt đầu, cũng giống như trường hợp nguyên đơn đã khởi kiện tại tòa án;…

Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng, quy trình hòa giải cũng tương tự như trọng tài hoặc tòa án; hoặc thiếu “tranh chấp nghiêm trọng” tới mức DN phải cần đến hòa giải và sự ưa thích tự đàm phán hơn.

Các đại biểu trao đổi thảo luận tại hội thảo

Dẫn ví dụ cho điều này, bà Nguyễn Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết thêm, ngay tại VIAC – trung tâm hòa giải chuyên nghiệp và lớn nhất cả nước, bắt đầu cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại chuyên nghiệp từ năm 2007 nhưng đến nay mới chỉ có 5 vụ được thực hiện.Bởi vậy, trên thực tế mới chỉ có số rất nhỏ tổ chức, DN sử dụng phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp, còn lại phần lớn DN chưa coi hòa giải thương mại là một hoạt động dịch vụ giải quyết tranh chấp chuyên nghiệp nên chưa sử dụng rộng rãi phương thức này.

Tuy nhiên, ông Phan Trọng Đạt cũng cho biết, mặc dù có tình trạng thiếu nhận thức về chi tiết của quy trình hòa giải và mức độ sử dụng hòa giải còn hạn chế, song đa số DN trong cuộc khảo sát trả lời (78%) thể hiện sự quan tâm đến việc thử sử dụng hòa giải đối với tranh chấp kinh doanh.

“Tỷ lệ lớn DN thể hiện sự quan tâm đến việc thử sử dụng hòa giải thương mại là một điều đáng mừng, song điều quan trọng hơn là cần có những giải pháp cụ thể để biến sự quan tâm đó của DN trở thành sự lựa chọn thường trực mỗi khi DN có những vụ việc tranh chấp thương mại”, ông Đạt nhấn mạnh.

Cần sớm ban hành Nghị định về Hòa giải thương mại

Bà Nguyễn Thị Tú Anh cho biết, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải được đề cập tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ Luật hàng hải, Luật Đầu tư,… và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia.

Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành mới chỉ ghi nhận các nguyên tắc chung về việc các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải mà chưa có những quy định cụ thể, hướng dẫn về hòa giải viên, tổ chức hòa giải chuyên nghiệp, trình tự, thủ tục hòa giải,…

Để khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải, bà Nina Mocheva, Chuyên gia quốc tế về Trọng tài và Hòa giải, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc xây dựng khung pháp lý cho hòa giải được coi là quan trọng nhất trong cải thiện việc sử dụng hòa giải ở Việt Nam. Trong đó, hoạt động hòa giải phải được tổ chức với các chuẩn mực chuyên môn cao, bảo đảm về khả năng thi hành và bảo mật thông tin.

Về vấn đề này, bà Tú Anh cho biết thêm, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan đã xây dựng Dự thảo Nghị định về Hòa giải thương mại. Nghị định khi được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập; tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải.

Đồng thời, việc ban hành Nghị định sẽ góp phần thể chế hóa cam kết của Việt Nam trong WTO đối với lĩnh vực dịch vụ trọng tài, hòa giải thương mại./.

Best Wordpress Popup Plugin