Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu hồ tiêu của nhiều doanh nghiệp. Một trong những khó khăn đó phải kể đến là giá cước vận tải không ngừng tăng cao, trong 2 năm qua đã tăng 10 – 12 lần. Tuy nhiên, những triển vọng cho sự hồi phục thị trường sau COVID-19, triển vọng khôi phục vị thế của ngành tiêu sau 3 năm bị rớt khỏi nhóm ngành hàng tỷ đô nay đã được nhìn thấy.
Việt Nam hiện cung cấp gần một nửa lượng hồ tiêu châu Âu đang tiêu dùng. Đi kèm với cơ hội, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu của Việt Nam, trong đó thách thức lớn nhất là đáp ứng được các đòi hòi khắt khe về chất lượng, đặc biệt là quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tầm nhìn đưa hạt tiêu Việt Nam ra thế giới
Hạt tiêu của Việt Nam rất thơm. Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới khi chiếm tới 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn cầu. Tuy nhiên có nghịch lý là người tiêu dùng mua ăn hàng ngày nhưng lại không để ý hay cũng không biết đó là hồ tiêu của Việt Nam.
Lý do là Việt Nam chủ yếu xuất hồ tiêu thô nên thương hiệu ít người để ý. Tiêu Việt được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn giá cả nhưng liệu các doanh nghiệp Việt đã nhìn nhận được hết tiềm năng của hạt tiêu Việt Nam khi đi ra thế giới?