Việc trồng mới tăng là do những năm gần đây, giá hồ tiêu tăng đáng kể. Và bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhiều nông hộ vẫn trồng tiêu thiếu khoa học từ việc chọn đất, trụ và giống, điển hình là tại huyện Bù Đốp.
Miễn sao có trụ cho dây tiêu leo
Việc nhà nhà trồng tiêu đã dẫn đến tình trạng khó kiếm trụ tiêu. Gỗ không còn nên người dân đã sáng tạo ra nhiều cách độc đáo. Có hộ cắm cây khô xuống làm trụ tạm, đồng thời trồng một cây sống xen kẽ (thường là cây anh đào hoặc cây gòn). Tại ấp 2, xã Thanh Hòa, gia đình bà Nguyễn Hồng Thắm trồng hơn 500 trụ tiêu, thế nhưng tất cả trụ đều không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, bà trồng thêm cây anh đào làm trụ sống. Bà Thắm nói: “Biết nọc chết không đảm bảo nhưng tôi trồng tạm để chờ cây anh đào lớn. Thấy người ta làm thì mình cũng làm”. Hộ ông Nguyễn Văn Quang, ngụ cùng ấp có kinh nghiệm trồng tiêu trên 20 năm nhưng do không tìm được cây tốt nên ông trồng trụ kém chất lượng. Để giúp các trụ đứng vững, ông dùng dây kẽm giằng các trụ với nhau. Nọc sống và nọc chết được trồng xen kẽ. Việc trồng nọc chết chỉ là tạm thời, khi trụ hỏng thì thay bằng nọc sống là cây gòn… Giống tiêu lạ “Srilanka”
Giống tiêu lạ “Srilanka”
Hạn hán mùa khô 2016 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn Bù Đốp. Có gia đình toàn bộ vườn tiêu bị chết hoặc tiêu truyền thống thường mắc bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm. Một số hộ cho biết, vừa qua có người ở Công ty Nam Long, TP. Hồ Chí Minh đem giống tiêu Srilanka lên quảng cáo và bán tại địa bàn. Họ cho biết giống tiêu này có khả năng chịu úng, bộ rễ khỏe, kháng được các bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm, năng suất cao. Vì vậy, nhiều hộ có vườn tiêu bị chết đã mua giống tiêu Srilanka về trồng, với mong muốn loại trừ được dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trụ tiêu giống Srilanka chưa kịp bén rễ thì đã chết.
Gia đình chị Nguyễn Thị Liễu (1971), ngụ ấp 1, xã Thanh Hòa là một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm giống tiêu này. Bà Liễu cho biết, tháng 6-2016, Công ty Nam Long tổ chức hội thảo về phân bón sinh học và giới thiệu giống tiêu Srilanka tại nhà văn hóa ấp. Người dân được xem clip quảng cáo về giống tiêu mới này. Bà Liễu đã mua 20 bầu tiêu Srilanka về trồng thử. Tuy nhiên, mới để được 2 ngày đã có 2 cây chết và 5 cây khác bị rụng đọt. Bức xúc vì chưa trồng đã chết, bà Liễu gọi điện thoại đến Công ty Nam Long thì được họ đền bù 4 bầu ươm mới, đồng thời tặng 1 chai thuốc tưới cho tiêu đã trưởng thành. Bà Liễu trao đổi qua điện thoại với nhân viên tên Tùng (người phân phối giống tiêu này tại ấp 1) thì nhân viên này chỉ đảm bảo cây tiêu cho bà Liễu trong vòng 20 ngày.
Bà Nguyễn Thị Dày (1950) cũng gặp trường hợp tương tự. Nghe giới thiệu của một số người quen về giống tiêu Srilanka hiệu quả, bà Dày đã bỏ ra hơn 4 triệu đồng mua giống với giá 100 ngàn đồng/bầu về trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, khi xuống giống chưa đầy 3 ngày, cây tiêu có hiện tượng rụng đốt, đến nay đã bị chết 15 bầu ươm.
Đừng để “tiền mất, tật mang”
Hiện trên địa bàn huyện Bù Đốp có khoảng 20 ha trồng giống tiêu Srilanka. Theo người dân nơi đây giống tiêu này cần rất nhiều nước tưới. Mặt khác, bộ rễ của cây dễ bị mối ăn hoặc bị nứt mắt ghép, ra trái răng cưa… Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp cho biết: Trong các buổi tập huấn khuyến nông, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt giống tiêu Srilanka vì chưa được thử nghiệm và nghiên cứu rõ.
Mấy năm trước, nông dân huyện Lộc Ninh đã được cảnh báo về giống tiêu Malaysia, rồi bị điêu đứng bởi giống tiêu Amazon, nay nông dân Bù Đốp lại đang “đánh bạc” với giống tiêu Srilanka. Theo Trưởng trạm Khuyến nông Bù Đốp, ở Bình Phước có 2 giống tiêu Vĩnh Linh và Lộc Ninh được trồng từ lâu. Đây là 2 bộ giống tốt nhất hiện nay và năng suất cũng gấp nhiều lần so với bình quân của thế giới. Vì vậy, người dân không nên trồng các giống tiêu chưa được ngành chức năng nghiên cứu và công bố, tránh “tiền mất, tật mang”.