CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0: CƠ HỘI TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU

14/02/2020

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang được dự đoán là “vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới” với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, gia tăng sức mạnh các quốc gia dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Kỳ vọng “bước nhảy vọt”

ThS.Trần Việt Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) – cho rằng: CMCN 4.0 đã trở thành xu hướng hiện hữu. Với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (KHCN) trong các lĩnh vực kỹ thuật số, vật lý, sinh học cùng các ứng dụng có tính tích hợp cao như công nghệ tự động hóa, công nghệ in 3D, robot thông minh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ về kết nối…

Chỉ thị 16/CT- TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 cũng nêu rõ: Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do đó, CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ KHCN tiên tiến.

Với sự tác động mạnh mẽ đến KHCN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, CMCN 4.0 sẽ tạo áp lực lớn cho DN Việt Nam đổi mới dây chuyền công nghệ, các nhà máy sản xuất công nghiệp thông minh với nền tảng công nghệ tự động hóa, tạo “bước nhảy vọt” về sản xuất công nghiệp với những sản phẩm chất lượng cao hơn, cạnh tranh, thời gian giao hàng nhanh và số lượng đơn hàng nhiều hơn.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia có ưu thế về xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp như dệt may, da giày, linh kiện điện tử, tuy nhiên giá trị gia tăng chưa cao, do chưa có nhiều hàm lượng tri thức và yếu tố sáng tạo. CMCN 4.0 sẽ là cơ hội để các ngành này đẩy mạnh đầu tư, áp dụng KHCN tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng.

Doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội

CMCN 4.0 đang mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu của Việt Nam, song theo Chỉ thị số 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu không bắt kịp được trình độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực như: Tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống…

Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của CMCN 4.0, Thủ tướng yêu cầu từ nay đến năm 2020, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào 6 giải pháp lớn: Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin – truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và DN dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết 19-2017/NQ- CP và Nghị quyết 35/NQ- CP của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển của DN, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thụ và phát triển các công nghệ sản xuất mới.

Thứ ba, rà soát các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của CMCN 4.0. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch, đô thị thông minh. Rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia, bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.

Thứ tư, tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo, như: Có cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DN với tôn chỉ DN là trung tâm; đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; kết nối cộng đồng KHCN người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước.

Thứ năm, thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó tập trung thúc đẩy đào tạo về KHCN… Thứ sáu, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, DN và toàn xã hội về CMCN 4.0. Tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông, tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 để có cách tiếp cận hiệu quả.

Các giải pháp của Chính phủ đưa ra tại Chỉ thị số 16/CT- TTg được đánh giá sẽ tạo ra những nền tảng quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương và DN nhận thức rõ hơn những cơ hội, thách thức của CMCN 4.0, từ đó có giải pháp để tận dụng cơ hội áp dụng vào sản xuất công nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, vai trò của DN đặc biệt quan trọng, bởi nếu DN không quyết tâm thay đổi công nghệ, nâng cao năng suất lao động, áp dụng KHCN vào sản xuất, thì các chính sách của Chính phủ dù có hay đến đâu cũng khó giúp DN phát triển sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu được.

Best Wordpress Popup Plugin