Doanh nghiệp thiệt tiền tỷ vì chồng chéo trong quản lý xuất khẩu

10/03/2020

Hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải chịu nhiều quy trình kiểm tra chồng chéo, chi phí kiểm định cao, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm là ý kiến chung của nhiều DN chia sẻ tại hội thảo “Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” tổ chức ngày 14/8 tại TP.HCM.

Theo một DN chuyên kinh doanh mặt hàng khí hóa lỏng, hành lang pháp lý đối với mặt hàng này tương đối đầy đủ chứ không như các mặt hàng khác song, đụng đến mặt hàng này thì vẫn còn vấn đề chồng chéo. Cụ thể, hàng hóa muốn thông quan phải có chứng nhận hợp chuẩn hợp quy để có chứng thư, ngoài ra phải có kết quả của tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương. Thường thời gian hoàn chỉnh thủ tục kéo dài dẫn đến tình trạng chậm hàng, nằm tại kho, kinh doanh bị ngắt quãng.

Ông Đặng Văn Hiếu – đại diện Công ty ANC (chuyên sản xuất thiết bị phụ bếp và dịch vụ nhập khẩu) bức xúc, năm 2015, DN nhập khẩu ghế sofa phục vụ cho cuộc thi hoa hậu Việt Nam với giá trị bình quân vài chục triệu/ghế và cơ quan yêu cầu phải lấy mẫu của ghế sofa.

“Tôi không hiểu lấy mẫu sản phẩm này là lấy mẫu như thế nào? Nên quy định rõ, cơ quan nào lấy mẫu, thời gian nào, tiêu chuẩn nào? Nếu có điều kiện thì nên xã hội hóa việc kiểm tra để chúng tôi có sự lựa chọn khác.”, ông Hiếu nói.

Ngoài việc quản lý chồng chéo, chi phí kiểm tra và chi phí tiêu cực đang quá sức chịu đựng của DN, ông Đinh Công Khương – Phó Giám đốc Công ty thép Khương Mai – cho hay, Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ra đời khiến ngành thép gặp rất nhiều khó khăn. Lý do, một năm chi phí cắt thử mẫu, cắt mẫu và chi phí tiêu cực mà công ty chi khoảng 20.000 đồng/1 tấn thép. Như vậy một năm nhập khoảng 600.000 tấn thì một năm tốn 12 tỷ đồng. Thêm đó, có những lô hàng kiểm tra 4 -5 tháng vẫn chưa có kết quả. Nếu tình trạng chậm chạp trong kiểm tra kéo dài liên tục thì DN sẽ thiệt hại hàng tỷ đồng khi giá thị trường lao dốc.

Còn theo bà Thái Thị Hoa, đại diện Công ty giày Chinlu (Bến lức, Long An), công ty này đang gia công giày thể thao thương hiệu Nike. Trong thực hiện có gia công nhiều giày mẫu, giày hội họp, giày chào hàng… Để có thể hoàn thiện sản phẩm công ty phải nhập một số vải và simili. Theo quy định, trước khi nhập hàng phải kiểm tra chất lượng. Cụ thể, 25m nguyên liệu là phải lấy mẫu để kiểm tra, 10 mẫu giống nhau cũng phải kiểm tra. Với việc áp dụng quy định  này bình quân mỗi tháng công ty đang mất 40 – 50 triệu đồng cho hoạt động kiểm tra mẫu. Đây là chi phí lãng phí, giảm sức cạnh tranh sản phẩm cho DN.

Thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc hiện DN gặp phải, đại diện các Bộ, ngành khẳng định thời gian tới cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục rà soát quá trình áp dụng kiểm tra đối với các mặt hàng, quy định nào không phù hợp sẽ được bãi bỏ để tạo thuận lợi cho DN.

Ông Phạm Thanh Bình – chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID: Tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng xuất nhập khẩu liên tục tăng. Tại Hải Phòng, năm 2014 tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa ở mức 40 – 44%. 6 tháng đầu năm số lượng tờ khai hàng hóa tăng 10% so với năm 2014. Tương tự, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) TSN, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành 30 – 35% trong năm 2014 nhưng 6 tháng đầu năm 2015 thì tỷ lệ kiểm tra đối với hàng xuất khẩu là 70%, hàng nhập khẩu ở mức đỉnh điểm 80%. Con số này cho thấy dù hải quan thực hiện kiểm tra nhiều nhưng hiệu quả ít. Các thủ tục cải cách hành chính mà phía hải quan thực hiện chủ yếu mới thực hiện cải tiến chứ chưa phải là cải cách.

Best Wordpress Popup Plugin