Diện tích hồ tiêu tăng mạnh, vượt quy hoạch quá lớn; dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát; chất lượng sản phẩm hồ tiêu chưa được chú trọng… Đây là những vấn đề được nêu ra tại diễn đàn “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức sáng 18/6, tại huyện Chư Sê – vựa tiêu trọng điểm của cả nước.
Diễn đàn đã cung cấp nhiều thông tin đáng lo ngại cho ngành hồ tiêu của Việt Nam. Hiện nay, diện tích hồ tiêu của nước ta đã vượt ngưỡng 85.000ha, vượt quy hoạch hơn 30.000 ha và vẫn có xu hướng tăng nhanh. Trong đó, diện tích hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiếm trên 51% và chiếm trên 91% tổng sản lượng hồ tiêu toàn quốc.
Diễn đàn “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ”
Trong vài năm trở lại đây, do giá hồ tiêu luôn ở mức cao, trên 170.000 đồng/kg, có lúc lên mức 200.000 đồng/kg, khiến nhiều nông dân đổ xô mở rộng diện tích và thâm canh quá mức loại nông sản này. Hậu quả là tại nhiều nơi, dịch bệnh lây lan nhanh, hồ tiêu chết hàng loạt. Tham dự diễn đàn, nhiều nông dân mong muốn, các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra các loại thuốc phòng và trị bệnh hiệu quả cho cây hồ tiêu.
Ông Ksor Rai, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, bày tỏ mong muốn Nhà nước, các nhà khoa học nghiên cứu thuốc chữa được bệnh chết nhanh, chết chậm.
Bên cạnh những vấn đề về tốc độ mở rộng diện tích quá mức, dịch bệnh tràn lan, thì vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm hồ tiêu là thông tin rất đáng chú được nêu ra tại Diễn đàn.
Dịch bệnh làm hồ tiêu chết hàng loạt
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có thông báo, sản phẩm tiêu đen của nước ta đang có xu hướng gia tăng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Còn các nhà nhập khẩu lớn từ Châu Âu và Hoa Kỳ cảnh báo, nếu tình trạng này không được khắc phục, sẽ tạm ngừng thu mua sản phẩm hồ tiêu của nước ta. Nếu điều này xảy ra, không những giá hồ tiêu bị ảnh hưởng mà uy tín hồ tiêu Việt Nam cũng bị sụt giảm. Do đó, điều cần thiết lúc này là nông dân phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết, nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc trừ sâu, thì khả năng nhiều nước Châu Âu sẽ không mua hạt tiêu của Việt Nam.
Liên tục nhiều năm qua, Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, với giá trị đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, riêng năm 2014, nước ta đã xuất khẩu hơn 156.000 tấn, chiếm 58% thị phần hồ tiêu thế giới, giá trị thu về đạt trên 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, để phát triển tiêu bền vững, đã đến lúc, các địa phương cần nhìn nhận, kiểm soát tốt hơn việc lạm phát diện tích và tình hình dịch, bệnh hại.
Đối với nông dân, cần chú trọng đến các giải pháp canh tác bền vững, chú trọng vào chất lượng sản phẩm, hạn chế dùng các loại phân và thuốc hóa học, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh và dùng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại./.