GIAN LẬN KHIẾN NÔNG SẢN VIỆT NAM MANG TAI TIẾNG

15/02/2020

Việc một số doanh nghiệp gian lận, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đã khiến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị mang tiếng xấu, ảnh hưởng đến những đơn vị làm ăn đàng hoàng.

 

 

                                                      Bà Miriam chia sẻ thông tin tại diễn đàn

Bà Miriam Garci’a Ferrer, Tham tán thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đưa ra nhận xét trên tại diễn đàn chính sách thương mại mang chủ đề “An toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” diễn ra ngày 30-3 tại TPHCM.

Bà Miriam cho  biết, hiện nay nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam không được lòng người tiêu dùng châu Âu.

Chẳng hạn, người tiêu dùng châu Âu sẵn lòng mua cà phê từ Colombia thay vì Việt Nam dù sản phẩm có giá cao hơn. Nguyên nhân là cà phê của Colombia có nhãn mác, bao bì, xuất xứ rõ ràng; còn cà phê của Việt Nam thì thường bị trộn với nhiều loại khác nhau.

Một ví dụ khác là cá basa. Hệ thống siêu thị Carefour đã ngừng bán sản phẩm này của Việt Nam. Một số chuỗi siêu thị khác cũng bắt đầu rút hàng. Tiếng xấu của mặt hàng này, theo bà Miriam, không chỉ là vì vấn đề vệ sinh mà còn liên quan đến câu chuyện nuôi trồng bền vững, xử lý môi trường… Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt hơn nhưng “người châu Âu hoàn toàn không biết”.

Những dẫn chứng này, theo bà Miriam, cho thấy Việt Nam có rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng là tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu hàng vào châu Âu, tận dụng những lợi thế mà hiệp định giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) mang lại khi chính thức được thông qua.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Giám đốc Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng việc vi phạm của một số doanh nghiệp trong thời gian qua về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh trong hàng xuất khẩu đã gây những hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả trực tiếp là nhà nhập khẩu trả lại hàng, các nước gia tăng các biện pháp kiểm soát. Lớn hơn là hình ảnh, thương hiệu quốc gia bị ảnh hưởng.

“Có những doanh nghiệp làm tốt nhưng mặt bằng chung là chưa ổn. Đó là lý do nhà nhập khẩu đánh giá chất lượng sản phẩm từ Việt Nam chưa tốt, qua đó định giá hàng hóa ở mức thấp”, ông Lang nói.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Về phía nước nhập khẩu, nhiều nước hiện nay không dùng các quy chuẩn quốc gia mà đưa các tiêu chuẩn của hiệp hội, ngành hàng để làm hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu. Chẳng hạn, các nhà bán lẻ ở Anh, Bắc Mỹ, châu Âu chỉ xem xét ký hợp đồng với các nhà cung cấp có chứng nhận của BRC (British Retail Consortium – Hiệp hội các nhà bán lẻ Anh).

Việc phải thực hiện các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu từ nước xuất khẩu khiến doanh nghiệp mất thêm nhiều chi phí khi phải mời các tổ chức chứng nhận nước ngoài vào Việt Nam để đánh giá sự phù hợp.

Trong khi đó, từ trong nước, doanh nghiệp chịu áp lực của việc tuân thủ các quy chuẩn quốc gia và nhiều quy định liên quan.

Theo thống kê của ông Linh, chỉ tính riêng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì đã có một luật, một nghị định và gần 80 thông tư của ba bộ. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 45 thông tư, Bộ Y tế có 20 và Bộ Công Thương có 12. Bên cạnh đó là 97 quy chuẩn quốc gia (50 quy chuẩn của Bộ Y tế và 47 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Cũng theo ông Linh, việc tuân thủ của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi có những quy định không có trong luật. Đơn cử như quy định “công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP không có trong Luật An toàn thực phẩm. Doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ phải đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu mà còn phải đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam. Những quy định này khiến doanh nghiệp phát sinh rất nhiều chi phí trong hoạt động.

Best Wordpress Popup Plugin