Ngày 2/7, tại TPHCM, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ điều. Tại đây, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, hiện sản phẩm nhân hạt điều Việt Nam vẫn đang được các nước chấp nhận.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, thị trường tiêu thụ nhân hạt điều chủ yếu là các nước phát triển, nơi yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao, và với tỷ lệ 45% cơ sở, doanh nghiệp không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nói trên sẽ khiến ngành điều gặp những khó khăn trong thời gian tới.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, trong số 265 cơ sở, doanh nghiệp chế biến hạt điều hiện nay, chỉ có 30 doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn như HACCP, ISO 9001, ISO 1400, ISO 2200… Trong đó, có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình với 5-7 lao động, và thường không được đầu tư máy móc, thiết bị nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đây chính là con số đáng báo động cho ngành điều trong nước. Không chỉ có quá nhiều cơ sở, doanh nghiệp xếp loại C, ngành điều cũng đang đối diện với một vấn đề khác là có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cứ sau mỗi năm, số doanh nghiệp xuất khẩu điều lại tăng lên. Năm 2014, có 345 doanh nghiệp xuất khẩu nhưng trong số này, có đến 73% có kim ngạch xuất khẩu chưa đến 5 triệu USD. Từ đó, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, gây thiệt hại chung cho toàn ngành.
Điều lo lắng của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối là có cơ sở nếu xem xét trên thị phần tiêu thụ trong nước và xuất khẩu điều nhân của Việt Nam những năm qua. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện các doanh nghiệp chế biến điều nhân, giá trị gia tăng sản phẩm nhân điều như điều nhân rang muối, tẩm mật ong… bán cho thị trường nội địa chỉ chiếm 6%, còn lại 94% lượng điều xuất khẩu là điều nhân đóng gói.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 150.000 tấn điều nhân các loại, giá trị thu về gần 1,1 tỷ USD, tăng 14% về lượng nhưng giá trị tăng 28%.
Song về lâu dài, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, do phụ thuộc quá lớn vào thị trường xuất khẩu, trong khi thị trường nội địa có sức mua lớn lại chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức nên một khi gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cách đây khoảng 3 năm, ngành điều đã lao đao khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn là một dẫn chứng cụ thể.
Xây dựng thương hiệu điều – Muộn còn hơn không
Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án xây dựng thương hiệu Điều Việt Nam. Theo Bộ này, Việt Nam là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới kể từ năm 2006. Hạt điều của Việt Nam có chất lượng và hương vị ngon nhất thế giới nhưng lâu nay, chúng ta chỉ tập trung xuất khẩu sản phẩm điều nhân đóng gói và hạt điều Việt Nam chưa có thương hiệu. Do đó, Bộ có kế hoạch “táo bạo” nhằm xây dựng thương hiệu cho hạt điều, để từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Đề án này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như xây dựng thương hiệu điều quốc gia, xây dựng chỉ dẫn địa lý điều cho các địa phương trồng điều trọng điểm. Và quan trọng nhất, tất cả những điều trên là để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Có như vậy mới giúp ngành điều giải quyết bài toán “quá phụ thuộc” vào xuất khẩu nhân điều đóng gói như hiện nay.
Khi được hỏi về vấn đề này, một số doanh nghiệp và người trồng điều tham dự hội thảo đều tỏ ra đồng tình và cho rằng, việc xây dựng thương hiệu Điều Việt Nam giờ mới được đề cập là hơi muộn song dù muộn vẫn còn hơn là không.