Tăng thuế xuất khẩu sắn lát: Cần lộ trình thích hợp

10/03/2020

Nếu không có gì thay đổi, từ ngày 20/6/2015, thuế suất thuế xuất khẩu sắn lát sẽ tăng từ 0% lên 5% theo Thông tư số 63/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Câu hỏi mà dư luận quan tâm là sự tăng thuế này đã hợp lý chưa? Phóng viên Báo Công Thương đã tìm hiểu sự việc.

Kỳ I: Doanh nghiệp “khó”, dân “khổ”
Tăng thuế thời điểm này gây bất lợi cho nông dân trồng sắn
Tăng thuế vì nỗi lo thiếu nguyên liệu
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, hết năm 2014, tổng diện tích sắn cả nước vào khoảng 450 nghìn ha, với sản lượng gần 10 triệu tấn củ tươi. Trong đó, 4 triệu tấn cung cấp cho các nhà máy sản xuất tinh bột. Số còn lại được chế biến thành sắn lát khô đạt khoảng 2,3 – 2,5 triệu tấn sắn khô/năm phục vụ xuất khẩu, chế biến thức ăn gia súc, nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu cho sản xuất cồn.
Tuy nhiên, tính riêng 4 tháng đầu năm 2015, sản lượng sắn xuất khẩu đã đạt 2,1 triệu tấn, tăng 60,3% về khối lượng và tăng 45,5% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sắn đang có đà tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị.
Ông Lưu Quang Thái- Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam – cho biết, hiện có khoảng trên 1 triệu tấn sắn lát khô đang xuất khẩu, trong đó xuất đi Trung Quốc chiếm tới 95%. Việc thu mua sắn giá cao khiến nguyên liệu phục vụ sản xuất cồn ethanol trong nước không đủ, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp tranh mua, bán tháo để kiếm lợi nhuận.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc tăng mức thuế suất sắn lát xuất khẩu nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về cơ chế giá đối với xăng E5, trong đó có nội dung: “Điều chỉnh thuế xuất khẩu cồn ethanol và sắn lát nguyên liệu theo hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học”. Hơn nữa, việc tăng thuế đã được cân nhắc dựa trên những kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam và dù tăng lên 5% doanh nghiệp vẫn có lãi.
Kẻ khóc, người cười
Ông Nguyễn Phú Thủy, một doanh nghiệp có trên 20 năm xuất khẩu sắn lát thô (xin được giấu tên) – cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Indonesia… Nếu tăng thuế lên trong điều kiện giá xuất khẩu không thể tăng (vì đã ký hợp đồng từ đầu năm) sẽ giảm sức cạnh tranh, gây thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho người nông dân vì doanh nghiệp buộc phải hạ giá thu mua.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Trọng Luyện – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) – cho hay, việc tăng thuế xuất khẩu sắn lát chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bà con nông dân vì doanh nghiệp, thương lái sẽ tìm mọi cách ép giá thu mua để duy trì lợi nhuận.
Tìm hiểu thực tế tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cuối năm 2014, giá sắn tươi chỉ đạt 600 đồng – 1.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Tấn – người dân trồng sắn tại Thanh Sơn – chia sẻ: “trồng một ha sắn một năm chỉ lãi khoảng 15 triệu đồng. Nếu giá giảm xuống nữa chắc chắn sẽ không ai trồng sắn nữa mà sẽ chuyển sang các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như cây sơn, bạch đàn, keo, cây ăn quả… vì lợi nhuận thấp, công sức bỏ ra nhiều, chi phí đầu tư cao lại gây bạc màu đất nhanh”.
Ngược lại, một số doanh nghiệp đang sản xuất ethanol lại rất phấn khởi vì được hưởng lợi từ chính sách tăng thuế, thứ nhất tăng thuế sẽ hạn chế xuất khẩu thì nguồn nguyên liệu sẽ dồi dào hơn, thứ hai nếu giá sắn giảm, doanh nghiệp sản xuất sẽ dễ dàng thu mua hơn.
“Ông Nguyễn Phú Thủy: Đối với doanh nghiệp xuất khẩu sắn thì việc áp dụng chính sách tăng giá thuế thời điểm này chưa thực sự hợp lý và gây bất lợi cho nhiều đối tượng, đặc biệt là người nông dân.”
Best Wordpress Popup Plugin