Kết quả khả quan trong 5 tháng đầu năm là nền tảng quan trọng để xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt được mục tiêu đề ra, kỳ vọng vượt 363 tỷ USD.
Năm tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa đạt được nhiều kết quả vượt trội. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, qua 5 tháng, quy mô xuất khẩu đạt trên 152,81 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay và cao hơn quy mô cả năm từ năm 2014 trở về trước.
So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu tăng 16,3%. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước tăng 20,8%, cao hơn tốc độ chung (tăng 16,3%) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,8%). Qua đó cho thấy, khu vực kinh tế trong nước đã khai thác tốt hơn những ưu thế về đất đai, khí hậu, lao động cũng như những ưu thế do các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Trong số 34 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, có 30 mặt hàng tăng trưởng. Trong đó, 18 mặt hàng tăng trên 300 triệu USD; 13 mặt hàng tăng trên 500 triệu USD; 5 mặt hàng tăng trên 1 tỷ USD. Qua 5 tháng, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt xấp xỉ 7 tỷ USD, lớn nhất là điện thoại và linh kiện; tiếp đến là điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm là Mỹ, với 46,7 tỷ USD; thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, với 49,6 tỷ USD.
Do quy mô và tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nên 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 516 triệu USD.
Bên cạnh những điểm vượt trội, hoạt động xuất khẩu cũng bộc lộ một số vấn đề cần lưu ý. Một số mặt hàng giảm lượng xuất khẩu, như hạt điều, chè, hạt tiêu, clinker và ximăng, dầu thô, xăng dầu, chất dẻo nguyên liệu, xơ sợi dệt, sắt thép. Một số mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu, như rau quả, hạt điều, chè, gạo. Riêng tháng 5, nhập siêu khá lớn (1,730 tỷ USD), là dấu hiệu cảnh báo về khả năng chuyển từ xuất siêu trong 6 năm trước sang nhập siêu trong năm nay.
Đáng lưu ý, nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm về lượng (như hạt điều, ngô, quặng và khoáng sản khác, than đá, dầu thô, phân bón, chất dẻo, giấy, bông, sợi dệt, sắt thép…), cho thấy tình trạng đứt gãy nguồn cung vẫn còn tiếp diễn.
Nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân cả năm đạt 8% (như mục tiêu mà Bộ Công thương đặt ra), thì kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 363 tỷ USD. Trường hợp nhập khẩu cũng có tốc độ tăng tương đương xuất khẩu, thì kim ngạch nhập khẩu cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 359 tỷ USD và xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Theo đó, năm 2022 sẽ là năm thứ 8 liên tục xuất siêu.
Để đạt được mục tiêu này, cần có những giải pháp tích cực.
Giải pháp cơ bản và lâu dài là đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm gia công, lắp ráp. Những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển, song vẫn chưa đạt kỳ vọng. Giải pháp này sẽ góp phần tăng xuất khẩu, tăng thực thu, giảm nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một hay một số thị trường.
Giải pháp cấp bách là tiếp tục khắc phục tình trạng đứt gãy nguồn cung và có giải pháp khi giá nhập khẩu tiếp tục tăng rất cao. Giá tăng cao do lạm phát thế giới tăng. Nhờ sự điều hành kiên trì và tích cực của Ngân hàng Nhà nước, nên tỷ giá VND/USD giảm liên tục từ năm 2020. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD không thể giảm mãi, vì như vậy sẽ bất lợi cho xuất khẩu và bất lợi cho tăng trưởng. Vì vậy, cần điều hành tỷ giá hợp lý để khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu.