Tuy nhiên, theo các thương lái ở huyện Châu Đức, Xuyên Mộc mức giá này chỉ được các công ty cung ứng hạt tiêu mua vào dành cho các “mối ruột” với lý do “chưa có nhu cầu”. Được biết, các công ty xuất khẩu hạt tiêu ở phía Nam đang hướng về nguồn cung vụ mới từ Indonesia và Malaysia sẽ thu hoạch trong tháng 7 tháng 8 đang được cho là có giá cạnh tranh nhất hiện nay. Hiện một số diện tích trồng tiêu ở vùng Lampung của Indonesia bắt đầu thu hoạch sớm nên giá chào bán tiêu đen đã giảm xuống dưới mức 3.000 USD/tấn, giảm 4% so với tuần trước đó. Do đó không loại trừ việc xả hàng đầu cơ vụ trước hiện đã được tiến hành, theo các nguồn tin thị trường nhận định.
Giá hạt tiêu tiếp tục tăng nóng
Trái lại, hợp đồng cung ứng tiêu trắng cho các thương nhân Trung Quốc vào thời điểm này đã bị từ chối từ phía khách mua, theo các nhà sản xuất chế biến tiêu trắng ở Xuân Lộc – Đồng Nai cho biết.
Khách chuyển sang nguồn cung khác có giá cạnh tranh hơn như Indonesia chào bán tiêu trắng giá 4.120 USD/tấn (FOB – Pkl Pinang) và của Malaysia chào giá 4.055 USD/tấn (FOB – Kuching), trong khi giá chào bán tiêu trắng của Việt Nam xấp xỉ 4.280 USD/tấn (FOB – HCM) và của Trung Quốc 6.000 USD/tấn (FOB – Hainam).
Rõ ràng, sức ép của vụ hạt tiêu mới ở Indonesia và Malaysia, hai nhà sản xuất cũng là thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) vào thời điểm này là không hề nhỏ.
Theo báo cáo thương mại của IPC, trong năm 2017 Indonesia đã xuất khẩu 42.700 tấn hạt tiêu các loại với tổng giá trị kim ngạch 236 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 45% về giá trị so với xuất khẩu của năm 2016. Trong đó, riêng thị trường Việt Nam đã nhập khẩu 16.500 tấn, chiếm tới gần 40% lượng hạt tiêu xuất khẩu của quốc gia này. Trong khi Mỹ, thị trường tiêu thụ quan trọng chỉ nhập 7.200 tấn, chiếm 17% và Ấn Độ cũng nhập với con số đáng kể khoảng 4.600 tấn, chiếm 11% lượng xuất khẩu của Indonesia.