Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, hạt điều, tiêu và một số loại nông sản khác vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hàng đầu khi xuất khẩu sang thị trường UAE.
Hạt điều là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam (Bộ Tài chính), xuất khẩu hạt điều sang Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 23 triệu USD, tăng 200%. Đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong số các sản phẩm Việt Nam xuất sang thị trường Tây Á này.
Xếp sau hạt điều về tốc độ tăng trưởng là tiêu, ở mức tăng 185%. Xét về tổng giá trị xuất khẩu, tiêu lại nhỉnh hơn, ở mức 40 triệu USD trong 7 tháng đầu năm.
UAE là một trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi. Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn với thị trường này. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tại đây luôn giữ ở mức cao.
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu sang UAE, nông sản chiếm tỷ trọng lớn, và hầu hết duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, một số nông sản có xu hướng giảm do tác động của Covid-19. Trong đó: chè giảm 34,6%, đạt tổng giá trị xuất khẩu 1,4 triệu USD; gạo giảm 15,4%, đạt 16 triệu USD; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 10%, đạt 2,4 triệu USD.
Xét tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE, mức tăng là 37,8 % so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 3,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt xấp xỉ 2,8 tỷ USD, tăng 40,8%.
Về cơ cấu hàng xuất khẩu, điện thoại di động và linh kiện vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang UAE lớn nhất, đạt 1,85 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 246,4 triệu USD, tăng 17,4%); máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng (đạt 148,1 triệu USD, tăng 43,1%).
Trên bình diện thế giới, UAE là một trong những thị trường trung chuyển quan trọng, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Đông, Tây Á và châu Phi.
Bên cạnh đó, thị trường các nước theo đạo Hồi có quy khá, ước đạt giá trị khoảng 2.000 – 3.000 tỷ USD/ năm. Về vị trí địa lý, UAE nằm bên bờ vịnh Ba Tư, là nền kinh tế lớn ở Trung Đông, đóng vai trò trung tâm thương mại và tài chính của khu vực, đồng thời là nơi trung chuyển hàng hóa và trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ 3 thế giới.
Bộ Công thương nhận định, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE trong năm 2021 có thể cán mốc mức 5 tỷ USD.
Còn nhiều dư địa phát triển nhưng thị trường UAE vẫn có rào cản nhất định. Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác đầu tư kinh doanh tại Dubai, các doanh nghiệp nước ta thường gặp khó khăn ở khâu logistics, chi phí kho bãi đắt đỏ, giá thuê nhân công cao khiến sản phẩm bán ra mất lợi thế cạnh tranh về giá.