Ngoài xuất khẩu, thị trường nội địa cũng được xem là tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm cà phê chế biến.
Theo thống kê của Vicofa, những năm gần đây, sự phát triển của các hàng quán cà phê, hệ thống cung ứng cà phê, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, tiêu thụ cà phê trong nước tăng nhanh (với 2/3 là cà phê bột rang xay, 1/3 là cà phê hòa tan).
Hiện nay Việt Nam có khoảng 30.000 quán cà phê, nhiều thông tin tuyên truyền phục vụ thúc đẩy tiêu thụ trong nước như cà phê buổi sáng, cà phê chứng khoán, cà phê lập nghiệp.
Tuy vậy, mức tiêu thụ trong nước mới đạt không quá 10% so với mức 35% của Indonesia và Brazil.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, một trong những doanh nghiệp tập trung chế biến sâu cà phê cho rằng, thị trường nội địa cũng là một miếng bánh ngon nếu biết cách khai thác.
“COVID-19 buộc chúng tôi phải thay đổi khi cước tàu quá lớn, không có container để xuất hàng, chúng tôi giật mình nhận ra mình đang bỏ qua thị trường nội địa.
Thay vì chỉ chăm chăm xuất khẩu, bản thân nội địa Việt Nam cũng là một thị trường tuyệt vời. Chỉ trong năm 2020, doanh thu ở thị trường nội địa của chúng tôi tăng tới 5 lần so với 2019”, ông Thông nói.
Ông Thông chia sẻ một trong những cách làm thương hiệu ở thị trường trong nước đó chính là bao bì đẹp.
“Thiết kế bao bì đẹp sẽ khiến khách hàng tò mò và sẽ mua thử. Họ thấy ngon và lần tới sẽ tiếp tục ủng hộ. Đó là cách chúng tôi tư duy khi bán hàng. Ngoài ra thương mại điện tử giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn đến khách hàng trong giai đoạn giãn cách xã hội”, ông Thông nói.